Càng sở hữu nhiều - Càng nhiều đau khổ
CÀNG SỞ HỮU NHIỀU - CÀNG NHIỀU ĐAU KHỔ
Chúng ta yêu, chúng ta có một mối tình hay cam kết về gia đình, hôn nhân. Khi chúng ta có cảm giác sở hữu người kia, là lúc mầm mống của đau khổ bắt đầu xuất hiện.
Mầm mống đau khổ đến từ việc cái tôi muốn sở hữu. Trước yêu hay hôn nhân thì người ta chỉ là một người xa lạ. Khi đã cam kết yêu hay hôn nhân rồi thì cái tôi muốn sở hữu người này, muốn phải theo ý của nó.
“Tôi mong muốn mọi thứ phải xảy ra theo kiểu của tôi, đặc biệt là với người tôi sở hữu thì càng phải xảy ra theo kiểu của tôi”.
Khi kiểu của tôi khác với kiểu của người kia, mình bắt đầu đau khổ, đặc biệt khi người kia lại là người rất thân với mình.
Bạn mình đến muộn 15 phút mình không bực, nhưng con mình, chồng mình, người yêu mình đến muộn 15 phút chắc mình rất bực, vì con làm sai lời mình, người kia làm trái mong muốn của mình. Nếu không có sự sở hữu thì đến muộn 15 phút cũng chưa phải là vấn đề gì, nhưng khi sự sở hữu bắt đầu xuất hiện thì nỗi khổ bắt đầu tăng lên rất nhiều, vì mình có cảm giác mình sở hữu đứa con đấy, ông chồng đấy, mà họ lại không làm theo ý của mình.
Khi mình cho là mình sở hữu cái gì thì mình càng mong muốn nó làm theo ý mình nhiều hơn. Khi mình không sở hữu thì mong muốn của mình ít hơn. Mình không thể bắt bác trông xe của một cửa hàng phải làm gì. Nhưng giả sử mình là ông chủ cửa hàng đó, mình sẽ muốn bác ấy phải làm theo ý mình và nếu bác không làm đúng, mình bắt đầu thấy khó chịu.
Vợ hay chồng mình nhận đi đón con mà không đón thì mình rất bực. Còn nếu ông bạn ở cơ quan bảo đi đón hộ mà không đón thì cũng chẳng sao cả, mình bình thường, hoặc bực vừa vừa thôi.
Khi sở hữu cao thì mình luôn mong muốn, thậm chí là ép buộc người kia phải làm theo ý của mình, và khi chuyện ấy không xảy ra thì nỗi khổ bắt đầu xuất hiện.
Sở hữu phóng đại mong muốn của cái tôi lên rất nhiều. Ai có mong muốn sở hữu càng mạnh thì càng nhiều đau khổ. Ai bớt hoặc ít mong muốn sở hữu thì bắt đầu bớt khổ, ít khổ dần đi. Nhưng cứ còn sở hữu thì còn đau khổ. Vì sao?
Vì đối tượng kia chẳng bao giờ theo ý mình. Mình không thể sở hữu được bất kỳ ai hay cái gì. Cái tôi không thể sở hữu được. Nhưng một trong những đặc điểm của cái tôi là “Sở hữu”.
Cái tôi của mình luôn muốn mọi thứ theo ý nó. Mọi thứ phải xảy ra theo cái cách mà tôi muốn; hoặc là cách làm cho tôi hài lòng. Chứ không cần mọi thứ phải xảy ra theo cách tốt nhất cho người khác, không cần mọi thứ phải xảy ra theo cách tốt nhất cho cái chung.
Luôn luôn muốn mọi thứ xảy ra tốt nhất theo kiểu của tôi – đó là biểu hiện của cái tôi.
- Trích trà đàm "Cái Tôi trong tình yêu", Hà Nội 12/2011