Tại sao Đức Phật không thể khiến những người đau khổ trở nên bình an?
Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi thường nghe cha tôi nói về những phẩm tính tuyệt diệu của Đức Phật. Một ngày, tôi hỏi rằng, “Nếu Đức Phật vĩ đại đến vậy, tuyệt vời và hoàn hảo như thế, tại sao Ngài không thể khiến người bệnh trở nên khỏe mạnh? Tại sao Ngài không đơn giản đón những người ăn xin ở Kathmandu và ném họ vào cõi Tịnh độ?”.
Cha tôi đáp rằng, “Nghiệp! Mọi người đều có nghiệp của riêng họ. Không ai, ngay cả Đức Phật, có thể thay đổi nghiệp của chúng ta”.
Tôi tiếp tục hỏi dồn, “Nếu Đức Phật không thể giúp những người đang khổ đau thì tại sao tất cả những người này lại lễ lạy, trì tụng Mật chú và cúng dường?”.
Ngài giải thích, “Họ đang thay đổi nghiệp của bản thân. Chỉ con mới có thể thay đổi nghiệp của mình và tạo ra nghiệp của mình. Đức Phật không thể làm điều đó cho con, nhưng thực hành Pháp thì có thể.
Chúng ta cầu nguyện đến Đức Phật, nhưng dù cho Đức Phật không thể thay đổi nghiệp của chúng ta, tự thân việc cầu nguyện thay đổi nghiệp của chúng ta. Thấy được những phẩm tính giác ngộ của chư Phật đem chúng ta đến gần hơn với việc thấy được những phẩm tính này trong chính chúng ta.
Theo cách này, thực hành Pháp trở thành vai trò tích cực của chúng ta trong việc thay đổi nghiệp của mình. Nhận thức của chúng ta về việc chúng ta là ai là khởi đầu cho sự thay đổi”.
Để tiêu trừ khổ đau, chúng ta cần một vị bảo hộ thù thắng, tức Giáo Pháp. Chính Giáo Pháp mới thực sự có thể cứu chúng ta khỏi luân hồi. Chỉ nhờ việc đi theo con đường của Giáo Pháp - tức là thực hành - chúng ta mới có thể phát triển sự tự - chứng ngộ.
- Mingyur Rinpoche -